Vote for Hạ Long

Trên VTV đang có chương trình trực tiếp vận động bình chọn cho Hạ Long. Dường như chương trình được rất nhiều người Việt Nam hưởng ứng. Thấy ấm áp mà vui ghê. Mình đang online, ghé vào trên new7wonders.com cùng lúc với chương trình trực tiếp đang diễn ra. Ở bản đồ ghi nhận trực tiếp Live Voting Map thấy liên tục có người bình chọn mới từ Việt Nam, và đương nhiên trong số 7 lựa chọn của bất kì ai bình chọn từ VN đều có Hạ Long. Thấy vui quá, dễ thương quá! Với sự ủng hộ của mọi người như thế thì không nghi ngờ gì nữa, Hạ Long sẽ nằm trong danh sách 7 kì quan thiên nhiên mới của thế giới!

Hãy bình chọn cho Hạ Long nhé!!!

Taj Mahal – Một tình yêu vĩnh cửu

Một hành trình thú vị đến Fatehpur vẫn chưa làm mất sự hào hứng của tụi mình. Buổi chiều về đến khách sạn, mình chẳng nghỉ, mà lần mò đi tìm đường đến Taj Mahal. Hóa ra Taj rất gần nơi mình ở, chỉ khoảng 5-10 phút đi bộ. Khi mình đến đó thì trời tối rồi và Taj vừa đóng cửa xong, dù sao cũng an tâm là mai Taj sẽ ko chạy đâu khỏi tầm ngắm của tụi mình. Cảm giác ban đầu, Taj ko như mình nghĩ, cứ tưởng tượng Taj hẳn phải ở trong một nơi đẹp đẽ, xa hoa, tráng lệ lắm, ai ngờ Taj nằm ngay trong lòng cái “làng xóm” của Agra này. Thật gần gũi làm sao. Vậy là Taj ko làm cho người đến với nó cảm giác e dè, ngại ngùng nữa rồi. Taj nằm ngay trong khu dân cư, nơi mà nhà cửa nho nhỏ, san sát nhau, nhà của những người dân rất bình thường, thậm chí là nghèo.

 Quay trở lại khách sạn, ở đây buổi tối ra đường, ko phải là những con phố rộng, có xe ô tô, có xe máy chạy nhộn nhịp với đèn đường sáng chưng đâu, ở đây là những con đường nhỏ, ngoằn nghoèo, người đi bộ, xe ngựa kéo, xe máy và rickshaw, ko đèn đường, ko có lề có lòng đường gì cả. Tất cả cứ đổ xuống đường mà đi.

Buổi tối tụ lại với mấy đứa Hàn và thằng Tàu vừa quen, tụi nó cũng cỡ tuổi mình hoặc lớn hơn 1 tí, vui, hài hước và nhí nhảnh. Có 1 cuộc hẹn sáng mai cùng thăm Taj nhé!

5h sáng, khua nhau dậy. Ko được bỏ lỡ Taj trong bình minh. Nhưng phải nói là khi đến đây rồi mới thấy, không cần phải ngắm Taj trong hoàng hôn hay bình mình gì, tự bản thân Taj đã đẹp lắm rồi. Taj đẹp ngỡ ngàng. Hóa ra hôm qua chỉ nhìn thấy cái thành xung quanh Taj Mahal thôi, hôm nay bước chân qua khỏi cổng, qua khỏi lớp tường gạch đó, như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác. Ai mà đến Ấn mà chưa đến Taj Mahal thì đúng là không thể nói là đã đến Ấn.

Taj Mahal đẹp đến độ mà cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton phải phát biểu rằng: “There are two kinds of people in the world. Those who have seen the Taj Mahal and love it and those who have not seen the Taj and love it”. Nghĩa là ngay cả với người dù chưa từng nhìn thấy Taj, chưa từng được chạm vào khối đá cẩm thạch hoàn hảo đó cũng phải đem lòng yêu mến nơi này. Taj đẹp bởi nó còn là biểu tượng cho một tình yêu đẹp và vĩnh cửu. Nhà vua Shah Jehan đã cho xây Taj để tưởng nhớ người vợ thương yêu của mình là hoàng hậu Mumtaz Mahal, người đã mất trong khi sinh đứa con cuối cùng cho nhà vua. Đây thực sự là một công trình kiến trúc chứa đựng một sự cuốn hút lạ kì, chỉ cần nhìn thấy Taj là đã thấy trong lòng dâng lên một tình yêu – tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Có thể nói là mọi thử ở Taj đều đẹp, đều hoàn hảo. Từ vòm cổng ra vào, từ khu vườn xung quanh Taj, từ thảm cỏ xanh phía trước đến hồ nước long lanh bên dưới. Và đẹp hơn tất cả thứ đó, nổi bật hơn hết và hoàn hảo hơn hết đó là tòa lâu đài nằm ở ngay trái tim của Taj Mahal. Một khổi cẩm thạch trắng sừng sững, uy nghiêm nhưng dịu dàng, kiêu sa nhưng gần gũi. Điều kì diệu nữa ở Taj Mahal đó là nhờ sự đổi màu của đá cẩm thạch dưới ánh sáng. Từ nhẹ nhàng, dịu dành buổi sáng đến chói lòa giữa trưa và như một cục than hồng vào buổi tối.

Được đến gần Taj, được chạm vào, được ngồi dưới chân Taj, thật khó diễn tả cảm giác ấy. Ngôi đền mà mình đã được nghe rất nhiều, đã đọc nhiều, đã xem nhiều hình ảnh, thì hôm nay mình được thấy tận mắt, được chụp ảnh, được vuốt ve, cảm nhận cái mát lạnh khi chạm tay vào Taj Mahal. Vậy là mình đã trở thành người nhìn thấy Taj và đem lòng yêu Taj rồi ;). Thật xứng đáng khi Taj Mahal trở thành một trong những kì quan mới của thế giới. Và mình cảm nhận rằng, Taj sẽ còn đứng đó, bất chấp sự xô bồ của nhịp sống ồn ào xung quanh, sự đổi thay chóng mặt cuộc sống bên ngoài, còn bền vững muôn đời, để người sau còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp vĩnh hằng này và hoài cổ về 1 vương triều hùng mạnh huy hoàng trong quá khứ xa xôi.

Agra có lẽ nổi tiếng nhờ Taj Mahal và tự Taj làm nên thương hiệu của cho Agra. Sau đó mình còn đến rất nhiều nơi khác ở Agra. Nơi nào cũng có cái đẹp riêng, nhưng dù đi đến đâu ở Agra thì dường như Taj vẫn ám ảnh khách du lịch, lại thầm so sánh nơi đó với Taj. Và dù đứng ở đâu thì từ mọi nơi xung quanh Agra, lữ khách vẫn kiếm tìm hướng nhìn để thấy Taj rồi mừng rỡ bật lên Ah, Taj Mahal kia rồi!!!. Taj Mahal đã trở thành trái tim của Agra.

Taj Mahal nhìn từ phía cổng

taj4

Taj Mahal nhìn từ phía lâu đài

taj6

Taj phản chiếu dưới mặt nước

taj19

Taj, gần hơn nữa!!!

taj18

Taj, gần, gần hơn!

taj24

Mái vòm bên trong Taj Mahal

taj23

Và mình đã được ngồi dưới chân Taj Mahal

taj15

Agra – ấn tượng đầu tiên

Chuyến bay đến Ấn Độ mất gần 1 ngày. Từ TSN phải bay qua HongKong, quá cảnh ở đó khoảng 10h, rồi tụi mình mới bay qua được Delhi. Chuyến bay nào cũng làm mình nín thở cả, vì lần nào đi cũng nghe cơ trưởng thông báo máy bay đang bay qua vùng có bão. Hix. Đã vậy lần nào cũng bị delay mất hơn 1h, cứ báo là máy bay có trục trặc. Nên dù máy bay chưa cất cánh, chưa phải tắt điện thoại, nhưng mình cứ tắt phéng nó đi, ko thì mẹ lại gọi, lại hỏi sao còn nghe điện thoại, sao chưa đi, lại giải thích thì thể nào mẹ cũng lo um lên cho mà xem. ;;) Tốt nhất là để ko biết, ko biết thì khỏi lo.

Sân bay HongKong rộng ghê, hình như mình chưa đến cái sân bay nào rộng như cái này, phải có đến hơn 100 cái gate ra máy bay, mình muốn đi từ gate này sang gate khác cũng mất 30 – 45 ph.

Đến Delhi lúc khoảng 2h sáng, mệt, buồn ngủ và bơ phờ. Đã vậy, ko tìm được cái ghế nào đàng hoàng để ngả lưng một xíu. Tụi mình vật vờ tiếp tục đến gần 4h sáng thì quyết định kiếm taxi ra ga Delhi. Agra và Taj Mahal hấp dẫn đến nỗi, vừa đặt chân đến Ấn Độ là tụi mình quyết định phải đến Agra đầu tiên. Ôi, Taj (sao mình thích gọi Taj Mahal ngắn gọn là Taj thế ko biết, thấy nó thân mến, gần gũi làm sao), Taj là mục tiêu lớn nhất của chuyến đi này mà, nên phải đạt được mục tiêu này trước tiên, sống chết bằng mọi giá, rồi cái gì đến tính sau. Thế là trong lịch trình của mình Agra là điểm đến số 1.

Từ sân bay ra nhà ga khoảng 15km (hình như thế), tụi mình gọi prepaid taxi, mất 400 rupee (trên mạng bảo là 100 rupee 1 em, nhưng người ta đòi thêm vì là buổi khuya), mình thấy giá đó cũng ok lắm rùi, so với taxi VN thì còn rẻ hơn nhiều.

Nhà ga ở Delhi cũng như ở mình, cũng lộn xộn, nhốn nháo, cũng người đứng ngồi (và cả nằm cũng đầy rẫy, phải  n ói là ẹ hơn ở VN). Vé tàu mua ở cleartrip rất ok, khi nó gửi mail đến thông báo về chuyến tàu, mọi người nếu đã mua vé thì nhớ in cái vé ra, đến ga chỉ cần cầm theo 1 giấy tờ gì đó chứng tỏ đó là tên mình thì cứ việc lên tàu. Thực ra ở Ấn có hệ thống quản lý hành khách lên tàu. Ở trên tàu, khi đi soát vé, nhân viên cầm theo 1 danh sách trong đó có sơ đồ số ghế, ghế nào đã mua và hành khách đăng kí tên gì đã có sẵn trong đó. Do đó, mọi người hoàn toàn yên tâm khi mua vé online qua cleartrip nhé! Ah, có điều ngay tại ga vẫn có kẻ lừa đảo đó. Khi mình đến đó, có 1 tên Ấn, nó thấy tụi mình lớ ngớ, nó chạy ra, tỏ ra là tốt bụng nhiệt tình, tỏ ra là người nhà ga, nó bảo cái vé online này chưa đi được đâu, phải đi đổi vé bình thường ở cái trạm quỉ quái nào đó cách nhà ga mấy cây số gì đó. Rùi nó sẽ dẫn mình ra chỗ mấy tên taxi, bảo là phải đi taxi ra đó để đổi vé. May mà tụi mình cũng tỉnh táo (và cảnh giác nữa), đọc kĩ lại cái vé, vô hỏi lại mấy ông cảnh sát Ấn, an tâm là vé đó valid để lên tàu nhé!

Chỉ mất khoảng 3-4 h đến đến Agra, mình chọn mua vé ghế ngồi có nệm và khoang có máy lạnh, có phục vụ bữa ăn trên tàu nữa. Cũng an tâm.

Đến Agra khoảng gần trưa, mình được KS đón tại ga. Agra city đây rồi! Gọi là city nhưng khu dân cư mình ở thì ko giống city một tí nào. Mọi thứ ko như mình hình dung, ko có những cửa tiệm kính sáng loáng, ko building, ko nhà cao tầng, ko đường phố rộng thênh thang. Agra đón chào tụi mình với những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo nhưng những ngỏ nhỏ ở làng quê VN, nhưng đông đúc người qua lại, buôn bán hơn. Nhà cửa nhỏ nhỏ, thấp thấp, lồi ra lõm vào, san sát nhau. Hostel mình ở cũng vậy, giống một căn nhà nhỏ nhỏ, xinh xinh, cũng có vườn nhỏ, có sân thượng. Cũng rất đáng yêu, và đặc biệt có Taj Mahal view, hihi!!!

Khu mình ở là khu có khá nhiều khách sạn nhỏ chung quanh. Đây cũng là khu mà Lonelyplanet khuyến cáo. KS mình ở cũng rất ok, làm ăn cũng đàng hoàng, người phục vụ cũng dễ thương. Chỉ có điều với mức giá khoảng 450 rupee/ phòng đôi 1 đêm (~ 10 đô) thì không thể đòi hỏi gì hơn một phòng nhỏ, 1 cái giường, 1 cái tủ nhỏ, 1 bàn, 1 ghế nhỏ, quạt trần và nhà tắm. Hết. Thời tiết mùa này khá nóng, nên thuê phòng kiểu này hơi cực 1 tí. Buổi tối dù phòng có cửa sổ mở ra ngoài hiên, nhưng mình và Thủy vẫn phải lôi tấm ga xuống sàn, trải để ngủ. Ở KS cũng có mấy đứa khách du lịch nước ngoài thuê, cũng kiểu đi bụi như tụi mình. Mình túm được mấy đứa Hàn và 1 thằng Tàu. Toàn mấy đứa dễ thương, rất friendly và hài hước.

Thực ra đến Agra vì sự quyến rũ của Taj, nhưng khi đến đây rùi, nơi đầu tiên mình đi thăm quan lại là Fatehpur Sikri. Đây là một kinh đô cũ của Ấn độ, mà có khi còn được gọi là tử thành, vì nơi này đã bị bỏ hoang từ gần 500 năm nay. Chưa có dịp tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc của Ấn độ, do đó khi đến đây, ấn tượng đầu tiên làm mình không khỏi ngỡ ngàng. Rất đẹp và rất tinh xảo.

india6

india7

india5

Sở dĩ nơi đây được gọi là tử thành, bởi thành phố này, dù còn có 1 tên gọi khác là Victory – chiến thắng, chỉ thực sự tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, chỉ khoảng 14 năm rồi bị bỏ hoang. Thành phố được xây dựng để bày tỏ lòng biết ơn của Hoàng đế Akbar cho nhà tiên tri Shaikh Salim Chisti, người đã tiên đoán rằng nhà vua sẽ có con trai. Nhưng do không có đủ nguồn nước cung cấp nên thành phố đã nhanh chóng bị bỏ hoang. Chìm trong hoang phế trong gần 500 năm, mãi đến năm 1892 vùng đất này mới được các nhà khảo cổ tìm thấy. Cũng vì lí do xây dựng của thành phố mà đến tận ngày nay, vẫn còn nhiều người Ấn tìm đến đây, cột lên những ô cửa bằng đá những sợi chỉ màu với ước nguyện sớm có được 1 đứa con.

Xung quanh kinh thành, còn rất nhiều phế tích bị bỏ hoang. Mình đi thêm 1 đoạn về phía sau Fatehpur, có những công trình kiến trúc, mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng vẫn đẹp rực rỡ. Trên nền đá sa thạch đỏ, những phế tích này cứ như những ngọn lửa ko bao giờ tắt. Đi đến đây mới cảm nhận được cái uy nghiêm của 1 cố cung xưa, nhưng cũng là cái lạnh lẽo của 1 tử thành.
india9
india10
india11
india16

India – chuẩn bị

Ý tưởng cho chuyến đi này xuất hiện trước đó khoảng nửa năm, từ nhỏ Thủy. Thực ra trước đó Thủy đã rủ mình đi Sri Lanka, nhưng vì không chuẩn bị kịp, với lại lúc đó hai đứa còn hơi bỡ ngỡ với chuyện đi bụi thế này nên cuối cùng chuyến đi Sri Lanka không thành công. Lần này, tụi mình quyết tâm phải đi cho được, có lẽ ko còn dịp nào trong đời nữa, đứa nào cũng nghĩ thế. Thực ra, từ ý tưởng đến thành kế hoạch cụ thể cũng là một bước dài, và phải dứt khoát lắm mình mới làm được. Vì trùng với thời gian đi thì mình phải tham gia một khóa học dài 5 tháng, với yêu cầu cho lớp học rất gắt gao về thời gian, sự chuyên cần, viết dự án, viết presentation, chuẩn bị topic, vân vân… Nhưng mình cũng đánh bạo xin thầy cho mình nghỉ 2 tuần, bảo thầy mà ko cho em đi, em sẽ khóc hu hu trước mặt thầy… Thầy cũng dễ thương lắm, thầy bảo, ừ, thầy biết mình chắc stress lắm, vừa lo việc ở khoa, vừa tham gia khóa học, nên nếu muốn đi để thấy thoải mái hơn thì cứ đi. Phải nói là cám ơn thầy rất nhiều, em về em sẽ mua quà cho thầy…

Khó khăn tiếp theo là xin phép ở khoa, chậc, nghỉ liên tục 2 tuần, anh Hoàng lúc đồng ý cho mình cũng nhăn nhó lắm. Nhưng anh Hoàng cũng dễ thương, đoán được là mình xin nghỉ đi chơi, hì hì, nhưng vẫn cho đi, đã vậy còn bảo các bs khác trong khoa, trong thời gian mình nghỉ thì ko ai được nghỉ nữa. Hì, thank anh Hoàng nhiều..

Vậy là bắt đầu cho việc chuẩn bị. Thủy có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức những chuyến đi thế này. Và làm rất chuyên nghiệp. Còn mình, đã mất cả ngày để đọc hết hơn 20 trang viết về Ấn Độ trên phuot.com. Cứ tưởng nơi đó là một đất nước xa xôi, ít người đi tới, nhưng ko ngờ đã có rất nhiều bạn bè trên Phượt tới đây, khi về đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm. Mình loay hoay trên đây và đã gom được rất nhiều thông tin, rồi tiếp tục lùng trên net, hóa ra cái gì mình cần biết thì gần như đều tìm được câu trả lời. Thế là Ấn Độ từ ban đầu là một đất nước xa xôi với những địa danh lạ lùng và khó nhớ đã dần trở thành quen thuộc với mình.

Việc khó khăn tiếp theo là chuyện đi lại, tất nhiên mình sẽ sang đây bằng máy bay. Nhưng tụi mình dự kiến đi 4 thành phố của Ấn độ cơ, và di chuyển giữa từng nơi sẽ bằng tàu hỏa. Nghe đồn hệ thống tàu hỏa của Ấn cũng kinh dị lắm, đông đúc, chật chội và rất khó mua vé. Phải mua vé online trước, và phải mua trước ít nhất 1-2 tháng, đó là lời khuyên của rất nhiều người. Mình và Thủy đã ngồi với nhau trước ngày đi khoảng 5 tuần, hóa ra chuyện mua vé online cũng ko khó khăn. Chỉ có điều muốn mua vé trước thì phải lên kế hoạch thật cụ thể về giờ giấc, để khi đến đó, cứ theo giờ tàu đã định sẵn mà ra ga thôi, chứ thay đổi rất phức tạp. Thực ra, tụi mình cũng ko mua được vé như tính toán trước, vì dù mình đã mua trước cả tháng, nhưng có nhiều tàu đã hết vé, mình sẽ phải vào trong waitlist của nó. Theo mình chuyện này ko chắc ăn lắm, nếu waitlist chỉ vài người thì tạm yên tâm, chứ waitlist >10 người thì cũng đáng lo lắm.

Ngoài chuyện đi từ thành phố này đến thành phố kia bằng tàu hỏa, tụi mình còn tìm hiểu trước chuyện di chuyển giữa từng địa điểm thăm quan trong thành phố. Cũng may, mọi thông tin đều tìm được trên mạng, ngay cả chuyện đi mất bao lâu, đi bằng di, tốn bao nhiêu tiền, khoảng cách giữa các nơi đó là bao xa mình còn tìm được nữa mà, hihi…

Chuyện tiếp theo là chuyện book khách sạn. Gọi là khách sạn cho oai chứ tất cả những nơi mình đến ở đều là hostel thôi, nhưng rất hay là đều được khuyến cáo trên lonely planet. Ngoài chuyện đặt phòng, tụi mình còn liên hệ trước với khách sạn và nhờ nó cho người ra đón ở mỗi ga mình tới. Điều này tưởng là thừa, nhưng đến lúc đi mới thấy đó là điều cực kì sáng suốt và giá cả ko mắc.

Chuyện cuối cùng nhưng lại rất quan trọng là chuyện ăn uống. Ai cũng đồn đồ ăn ở Ấn rất khó ăn. Trong BV, có 1 anh đã sang Ấn 1 tuần, khi về mất 4kg, mà là ở khách sạn 4* đó nha, trong khi mình nữ nhi chân yếu tay mềm thế này, bụng dạ ko tốt lắm, ko biết khi về mẹ có nhận ra mình nữa ko? Với quyết tâm là phải chứng tỏ cho mẹ thấy dù đi chơi xa ăn uống có kham khổ, nhưng phải quay về khỏe mạnh bình yên (để lần sau còn cho đi nữa chứ!!! Hihi) nên cả mình và Thủy rất quan tâm đến chuyện ăn uống trong chuyến đi. Tụi mình lên 1 danh sách dài những thứ đồ ăn cần chuẩn bị. Tất nhiên mì gói, rồi bánh qui, xúc xích, pho mai, kẹo socola, cả bánh chưng (?), ruốc (mỗi em 1kg nhá!)… Đến ngày ra sân bay, thấy nhỏ Thủy kéo theo hành lý mới thấy thương nhưng trong lòng lại cực kì an tâm vì biết chắc sẽ ko bị đói, hihi.

Mình được giao cho chuẩn bị thuốc thang cho mọi người. Hì, cái này thì dễ, này nhé, thuốc cảm, giảm đau, kháng sinh, thuốc đau bụng, đau bao tử, chống dị ứng, băng cá nhân, và rất rất nhiều viên sủi đa sinh tố. Hì, để lấy năng lượng đi chơi chứ!

Trước ngày đi 1 tuần, nghe nổ bom ở Ấn. Mình đã định giấu cái bài báo đưa tin này, ko cho mẹ biết, nhưng làm sao mà giấu được tin này. Mẹ gọi điện bảo suy nghĩ lại đi. Hix, biết làm sao bây giờ, mọi thứ đã chuẩn bị rồi, thôi thì chỉ biết an ủi mẹ, bảo mẹ yên tâm thôi. Mình còn đưa mẹ lịch trình chi tiết của mình, nơi mình sẽ đến, địa chỉ, số điện thoại để liên lạc khi cần. Bạn mình dặn là đi qua đó nhớ mang nón bảo hiểm, và tránh chỗ đông người. Khổ nỗi, mình lại yêu thích những nơi đông người ;), và ai qua đó mới biết, ở Ấn chẳng có chỗ nào là ko đông người cả :).

À, thêm 1 chuyện nữa là mình chọn roaming điện thoại để tiện liên lạc. Vì hình như qua đó ko dễ mua sim để gọi và giá cũng khá mắc. Roaming thì ai gọi cho mình cũng được, mẹ gọi hay nhắn tin cũng dễ mà ko tốn nhiều tiền. Chỉ có mình là đau lòng, vì chỉ nhận điện thoại thôi mình cũng đã tốn 1 mớ tiền rùi. Tổng kết chuyến đi, ngoài những khoản đã chi, mình mất thêm > 500 nghìn tiền điện thoại. Hix. Đau lòng :(.

Để tóm lại bài này, mình “kinh nghiệm” ra được mấy điều sau, hi vọng giúp được mọi người:

  1. Lên kế hoạch cụ thể, thông tin trên mạng có rất nhiều, hãy thật chi tiết càng nhiều càng tốt.
  2. Đặt vé tàu online trước khi đi khoảng 2 tháng. Một trang web để mua vé online rất tốt là cleartrip.com. Đây cũng là nơi để book khách sạn tốt. Khi chọn vé, đừng chọn loại sleeper, ít nhất cũng chọn AC 3, vì có những chặng khá dài, nếu được đi vé nằm sẽ thoải mái hơn và an toàn hơn.
  3. Book khách sạn trước, hãy chọn những khách sạn được lonelyplanet khuyến cáo. Đăng kí dịch vụ đón khách tại nhà ga, chứ khi đến ga, muốn tìm đường đến khách sạn của mình sẽ là 1 thử thách thực sự đó, hihi ;).
  4. Chuẩn bị đồ ăn. Thực ra mình thấy đồ ăn Ấn ko khó ăn lắm, chỉ có điều nếu bạn phải ăn liên tục trong nhiều ngày thì điều này phải coi lại. Nếu đem mì gói, thì chuẩn bị cả ấm đun nước, vì ở những khách sạn mình ở, gần như chẳng có gì ngoài giường, quạt, phòng tắm…
  5. Thực ra ko cần chuẩn bị nhiều thuốc thang như mình, mình cũng dùng hết cái mớ multivitamin đã chuẩn bị nữa. Sang Ấn, để ăn uống khỏe mạnh, bạn có thể mua trái cây ở đây để ăn, cũng khá rẻ, chuối này, lựu này, cam này…Mình còn mua cả trứng về luộc ăn nữa, hihi.
  6. Nên roaming điện thoại.
  7. Ko nên đổi tiền Rupee ở VN, giá mắc. Sang đó, bạn có thể đổi ở sân bay, giá hơi cao 1 tí và bị trừ mấy cái phí gì đó, còn không thì gần như ở những điểm thăm quan lớn, đều có chỗ đổi tiền giá tốt và chẳng thấy tính mình phí gì cả. Hihi.

Từ từ, sẽ còn nhớ ra nhiều kinh nghiệm chia sẻ với mọi người…

Chiang Mai – Thailand 2011

Chuyến bay buổi sáng, đi chưa đầy 2h là đến Bangkok, rồi mình phải đón máy bay một lần nữa mới tới được Chiangmai. 2h chiều, thời tiết Chiangmai có vẻ dễ chịu hơn thành phố HCM một chút. Một chút thôi, cũng hơi nóng đó. Thế mà lúc đầu mình cứ tưởng như Đà Lạt, lành lạnh cơ, làm mình chuẩn bị thêm 1 cái áo khoác, nặng vali.
Chiangmai là một thành phố vùng núi, rộng, ko đông dân lắm, và sạch. Khách sạn mình ở là KS Lotus khá lớn, phòng cũng tiện nghi và hình như ko rẻ. Khách sạn nằm trong 1 cụm gồm khách sạn và trung tâm thương mại, mình chỉ cần bước chân xuống dưới đất là đi đến trung tâm thương mại rùi (và kết quả là mình cùng chị Xuân hầu như tối nào cũng lượn sang đây), chỉ có điều đáng tiếc là trung tâm thương mại ở đây đóng cửa sớm quá, gần 9h tối là thấy mọi người dọn hàng, chuẩn bị ra về rùi, trong khi thường giờ đó tụi mình mới ăn uống, tắm rửa xong.

Lotus Hotel

Chị Xuân ở sảnh chính KS

Sáng hôm sau đến BV Suan Dok (Maharaj Hospital). BV khá lớn, ngày đầu tiên bỏ mình ở đây, chắc chắn mình sẽ lạc. Trong khuôn viên này còn có trường học, ngân hàng… Mình sẽ đến học ở khoa Ung thư của BV, các nhân viên ở đây rất dễ thương, dù khá bận rộn nhưng mọi người nhiệt tình và trách nhiệm. Lúc chia tay mình cứ tiếc mãi là ko mua được quà gì từ VN sang đây tặng mọi người.

Người Chianga Mai nói chuyện rất nhẹ nhàng, khi mình hỏi mọi người ở đây, họ bảo đúng thế, lên Bangkok sẽ ko thấy nhẹ nhàng như vậy đâu. Người Chiang Mai cũng khá xinh đẹp và cao ráo. Một điều thú vị là ở Thái có rất nhiều người chuyển giới và thường rất thành công, trông họ như những cô gái thực sự và xinh xắn nữa thế nhưng để phát hiện ra cũng ko khó lắm. Hì, nhìn riết mình thấy mình cũng có nhiều kinh nghiệm rùi

Lotus hotel
Chiang Mai nhìn từ phòng mình trong KS

Đi lại ở Chiang Mai tiện nhất có lẽ là Red Taxi. Gọi là Taxi nhưng ko giống taxi ở mình lắm, giống giống xe bus Daisu của mình, nhưng đẹp là chạy nhanh hơn. Xe tuktuk cũng là một phương tiện thú vị nhưng giá mắc hơn và ngồi dc ít người hơn, tụi mình đi có 4 người, thì 1 người phải lên ngồi cạnh bác tài rùi, mà cũng ko rộng rãi gì. Ở Chiang Mai cũng ko nhiều chỗ chơi lắm, mình nghĩ thế. Ko thấy những trung tâm mua sắm hay giải trí sầm uất. Muốn đi phải ra xa xa thành phố một chút.

Điểm đi xa đầu tiên tụi mình chọn là đến vườn hoa (Royal Flora). Thực ra là một công viên đang còn xây dở dang, nhưng thiết kế khá đẹp và có nhiều hoa. Một kinh nghiệm khi đi chơi ở Thái dành cho người VN mình đó là vì mình trông rất giống người Thái nên khi đến một khu vui chơi nào đó, nếu mua vé thì cứ yên lặng, đừng nói gì cả, chỉ ra dấu thôi. Mình sẽ mua được vé dành cho người Thái, ko phải mua vé dành cho người nước ngoài, và thường rẻ hơn rất nhiều. Tụi mình cũng áp dụng kinh nghiệm này và thấy thường hiệu quả. Khi đến Royal Flora, mình cũng làm thế, im lặng và mua vé, hì, im lặng đi qua cổng luôn.

Vườn hoa vắng lắm, ít khách đến, hình như chỉ có mấy tụi mình và vài người khách nữa. Vậy lại hay, chụp hình thoải mái… 🙂
royal flora 6

Trong Royal Flora